Được tạo bởi Blogger.

Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững"


Trong bối cảnh thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém, chỉ số ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp) trở thành công cụ quan trọng đánh giá mức độ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.


Là một phần trong chuỗi hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tạp chí điện tử Kinh tế-Chứng khoán Việt Nam và Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhằm nâng cao nhận thức về ESG và tài chính bền vững cho các doanh nghiệp địa phương và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng ESG vào trong hoạt động kinh doanh, Hội thảo cung cấp kiến thức và hành lang pháp lý thực hành ESG – hướng tới việc phát triển khu công nghiệp xanh – nhà máy xanh, nhằm nâng cao vị thế của từng Khu Công Nghiệp, từng doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thông qua việc hướng tới thực hành bộ tiêu chí ESG để phát bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề nóng, thiết thực và quan trọng mà VIREA sẽ chú trọng, đồng hành cùng hội viên trong thời gian tới”.

Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ESG và các Đại diện doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc triển khai thực thi bộ tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam: Thạc sĩ Đặng Bùi Khuê- Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam với phiên tham luận Tổng quan về ESG thế giới và bối cảnh Việt Nam – Cách vượt qua cạm bẫy để không thuộc nhóm “tẩy xanh”; Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn- Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP với phiên tham luận Chuyên đề “Sự vận động hành lang pháp lý xoay quanh câu chuyện ESG – mặt sáng mặt tối trong báo cáo ESG”; Bà Phạm Minh Châu- Phó giám đốc Ban chính sách sản phẩm bán buôn, Khối Ngân hàng bán buôn, ngân hàng BIDV với phiên tham luận Tài chính xanh tại BIDV và Giải pháp tiếp cận tài chính xanh cho DN; Ông Huỳnh Thanh Trung- Chủ tịch HĐQT LeanWares (thành viên Ban Công nghệ và Phát triển bền vững LCH Bất động sản Công nghiệp Việt Nam) với phiên tham luận “Thực hành ESG trong quá trình thiết lập Khu công nghiệp xanh và nhà máy xanh – Thúc đẩy cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”; Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA -Tập Đoàn CT Group).


Tại buổi hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam và Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhằm phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi bên với mục tiêu triển khai, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa phụng sự xã hội. Hai bên sẽ phối hợp và tham gia tổ chức các sự kiện, các hội nghị, hội thảo về các lĩnh vực và chủ đề tài chính, kinh tế mà hai bên cùng quan tâm.

Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, cho biết hiện nay cả nước có 428 khu công nghiệp (KCN) được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha. Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 Khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ổn định ở mức 300 -350.000 ha.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố: tính đến cuối năm 2022, các KCN, KKT đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 231 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 221,3 tỷ USD và hơn 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng. Năm 2020, các doanh nghiệp trong KCN, đã đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động.

Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Intel, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch, Lego … với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; Vướng giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp chưa đảm bảo, đồng bộ; Loại hình phát triển chậm được đổi mới theo hướng khu công nghiệp “xanh” hướng tới bền vững; Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.…

Bà Phạm Minh Châu – đại diện Ngân hàng BIDV chia sẻ: “BIDV hiện là Ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản kết thúc năm 2023 đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 2,19 triệu tỷ đồng, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. BIDV tự hào là ngân hàng tiên phong trong xây dựng chiến lược và thực hành ESG, kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành “ngân hàng xanh” trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.”

Dư nợ tín dụng theo 12 ngành xanh của BIDV luôn đứng đầu thị trường và ngày càng tăng quy mô. Tại thời điểm 30/6/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt 75.459 tỷ đồng chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV, tăng 1.282 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Số lượng khách hàng nhận được tài trợ tín dụng xanh là 1.739 khách hàng với 2.117 dự án/phương án xanh.

Danh mục tài chính xanh của BIDV đa dạng với các sản phẩm Tín dụng xanh (Dệt may xanh, Công trình xanh, các lĩnh vực xanh theo phân loại của NHNN, cho vay phát triển cây trồng…), Trái phiếu xanh, Tiền gửi xanh, Tài trợ thương mại xanh. Các sản phẩm đều được xây dựng dựa trên các Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu Xanh, Khung ESMS trong hoạt động tài trợ thương mại do BIDV ban hành. Đây là các Khung tiêu chuẩn được BIDV xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, những Công ty đại chúng có quy mô lớn buộc phải công bố báo cáo ESG trong báo cáo thường niên. Trong quyết định “Phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030” số 1726/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 29/12/2023, về quan điểm phát triển thị trường chứng khoán có nêu rõ “Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.” Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tự công bố báo cáo phát triển bền vững như một cam kết về năng lực và văn hoá doanh nghiệp để gọi vốn, vay vốn.

Lê Anh
Bài viết đóng góp, xin gửi về: leanhpv@gmail.com

TIN NỔI BẬT