Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) - tỉnh Bình Phước năm 2024, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết, trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho các địa phương hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Bình Phước.
Tuy nhiên, để thiết lập một mạng lưới thương mại hiệu quả rộng khắp giữa Châu Âu và Việt Nam thì việc tiếp cận thị trường thôi là chưa đủ. Các doanh nghiệp Việt còn cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm bền vững, đồng thời tuân thủ các yêu cầu của Hiệp định EVFTA và quy định nhập khẩu của EU. Điều này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhà đầu tư châu Âu mong muốn chung tay, mang những nguồn lực này đến Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với sự hỗ trợ này, các địa phương có thể đẩy mạnh xuất khẩu, tuân thủ các quy định khắt khe của EU và thiết lập vị thế của mình như những trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Để phát triển theo định hướng này, EuroCham nhấn mạnh, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chế biến sâu. Đây là cách để đạt được nhiều giá trị hơn từ nông sản, đồng thời có khả năng được bảo vệ tốt hơn khỏi rủi ro dịch bệnh. Những sản phẩm chế biến sâu đòi hỏi tính chuyên môn cao. Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGap, ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng phát triển nghiên cứu và phát triển thị trường (R&D), tiếp thị ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu quốc tế.
“Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024” có gần 360 đại biểu trong nước và quốc tế
Góp ý thêm về vấn đề này, ông Jesper Clausen - Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản (FAABS) của EuroCham khuyến nghị các đơn vị chăn nuôi cần phải thực hiện tốt hơn các quy định và kiểm tra việc ghi nhãn sản phẩm kháng sinh. Hạn chế khả năng tiếp cận với các loại thuốc chống vi trùng, đặc biệt những loại gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững của ngành. Đặc biệt, càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nguy cơ bị giảm sức cạnh tranh, khi thị trường này bắt đầu thí điểm áp dụng tính thuế carbon từ tháng 10/2023 và chính thức được áp dụng từ năm 2026.
Trước những cơ hội cũng như thách thức hiện tại, ông Vũ Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh: “Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế trên, Hiệp hội sẽ thúc đẩy các hoạt động như hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số”.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, những năm gần đây, địa phương đã tạo được lực hút rất lớn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI trong các lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo… Diễn đàn này là cơ hội để Bình Phước giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, chính sách ưu đãi, giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng trong những năm qua, Bình Phước đã đạt được những thành tựu to lớn và đã có bước phát triển mới khá toàn diện cả ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng bình quân GRDP đạt 8,34% (vượt kế hoạch đề ra là 8%), đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 trên toàn quốc. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ổn định, dần phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn.
“Các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam thay đổi theo hướng bền vững, mà còn góp phần phần đóng góp tích cực hơn vào kinh tế - xã hội”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Thoibaonganhang.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về:
leanhpv@gmail.com